Rùa tai đỏ hay còn gọi là rùa vạch đỏ tên tiếng anh Red Ear Slider Turtle - tên gọi này xuất phát từ hình dáng bên ngoài: hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt. Rùa tai đỏ có nguồn gốc Bắc Mỹ, chúng được du nhập vào Việt Nam từ năm 1994. Rùa tai đỏ có hoa văn khá đẹp, chúng là loài động vật ăn tạp như ăn cá nhỏ và các loại động thực vật thủy sinh.
Rùa tai đỏ sống bán cạn, chúng dễ thích nghi với nhiều loại môi trường sống. Rùa Tai Đỏ là loại động vật máu lạnh. Chúng không có thân nhiệt ổn định, nhiệt độ cơ thể thay đổi theo môi trường bên ngoài. Khi nhiệt độ môi trường giảm xuống còn 20°C, chúng sẽ dần mất sức, nhiệt độ xuống tới 15°C chúng sẽ tiến vào trạng thái ngủ đông. Rùa tai đỏ có tập tính thích sưởi ấm mỗi khi ăn xong để sưởi ấm cơ thể tiêu hóa thức ăn.
Rùa tai đỏ khoảng 3 tuổi trở đi sẽ phân biệt được đực cái. Con đực sẽ có phần móng dài đuôi dài to béo, còn con cái có phần móng ngắn đuôi ngắn nhỏ hơn. Rùa cùng độ tuổi, con cái luôn lớn hơn con đực. Sau khi trưởng thành, toàn thân rùa đực sẽ chuyển sang màu đen. Rùa cái vẫn giữ lại màu nâu vốn có.
Rùa tai đỏ có tuổi thọ cao, có thể lên tới 40 năm. Chúng có khả năng
thích nghi rất tốt, cộng với lớp mai đặc biệt cứng cáp nên gần như không
có đối thủ khi xâm lấn các môi trường khác. Rùa tai đỏ được cho là động vật xâm hại khá nguy hiểm, chúng ăn tạp, thông minh và đanh đá. Loài rùa này cũng có tốc độ sinh sản nhanh hơn so với nhiều loài rùa bản
địa của Việt Nam. Một rùa cái trưởng thành tần suất sinh sản 5 lần trong một năm,
với số lượng trứng mỗi lần lên tới 30 quả. Ngoài ra, kích cỡ khá lớn của rùa tai đỏ cái có thể thu hút rùa đực khác
loài, dẫn đến tình trạng làm loãng gene của rùa bản địa. Ngoài ra rùa tai đỏ thường mang trong mình nhiều khuẩn gây bệnh, có thể khiến
các sinh vật trong khu vực chịu nhiều tổn thương, thậm chí diệt vong. Rất nhiều báo cáo cho biết rùa tai đỏ mang trên mình vi khuẩn Salmonella - một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Theo thống kê từ Trung tâm phòng chống Dịch tễ tại Mỹ, có tới 70% người
nhiễm khuẩn Salmonella tại Chicago là do tiếp xúc với rùa tai đỏ.
Rùa tai đỏ có thịt và trứng rùa tai đỏ cũng khá thơm ngon, ngoài ra thịt rùa tai đỏ cũng được sử dụng làm thuốc. Tuy vậy những nguy hiểm tiềm tàng của chúng thì vẫn nên thận trọng nếu muốn nuôi làm cảnh hoặc làm thịt.
Nuôi và chăm sóc rùa tai đỏ
Rùa tai đỏ trưởng thành, nhiệt độ thích hợp cho tăng trưởng là 25 – 30°C. Nhiệt độ cho ăn là 20 – 35°C, nhưng sức ăn mạnh nhất ở nhiệt độ nước 29 – 32°C. Ở 36°C chúng sẽ ngừng ăn, 38°C ít ăn, có thể chịu được nhiệt độ đến 40°C. Khi nhiệt độ giảm xuống còn 16°C, rùa ở trong trạng thái ngủ đông, dưới 1°C, chúng có nguy cơ bị chết cứng.Với rùa nhỏ yếu thì cần hỗ trợ nhiệt độ trong mùa đông.
Về môi trường sống, chúng cần môi trường nước, có đảo nhỏ để chúng phơi nắng và nghỉ ngơi. Khi nuôi với các loài rùa bản địa chúng có thể cắn chết rùa bản địa.
Rùa tai đỏ khá khỏe nhưng cũng cần vệ sinh nước và môi trường sống của chúng sạch sẽ. Chỉ nên cho rùa ăn vừa phải, không cho ăn dư thừa. Cho rùa Tai Đỏ ăn gì cũng có thời gian cố định, thông thường vào mùa xuân, mùa thu là từ 10 – 14h, mùa hè thì 7 – 9h hoặc 18 – 19h thì thích hợp.
Rùa tai đỏ không thích ăn thịt nấu chín. Vì chúng chỉ ăn đồ ăn
sống như sâu bột, thịt tươi, rau quả, lươn chạch, nội tạng tươi, chuột
non… Khi cho chúng ăn cũng cẩn thận rùa có thể cắn hoặc tấn công tay người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét