Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Sữa chim, sự thật lạ lùng

Không có vú nhưng chim cũng có sữa, nghe rất lạ lùng. Nhưng đó lại là sự thực ít người biết. Không giống các loài thú, loài chim thường phải nuôi con bằng thức ăn thô ngay từ lúc con mới nở. Trong quá trình tiến hoá, nhiều loài chim đã tìm cách khắc phục nhược điểm trên. Có thể kể đến là các loài chim trong họ bồ câu, chim hồng hạc, chim cánh cụt hoàng đế đực. Sữa được chim tiết ra từ một cơ quan gần cuống họng nên còn gọi là sữa diều.



Không vú vẫn ra sữa 

Bồ câu thường ăn chủ yếu các loại hạt ngũ cốc và hạt trái cây rừng, ít khi ăn côn trùng. Con non mới sinh, tốc độ tăng trưởng rất nhanh nên cần một lượng lớn chất bổ dưỡng, đặc biệt là nguồn thức ăn giàu đạm, trong khi đó dạ dày chim non lại phát triển chưa hoàn chỉnh nên không thể tiêu hoá các loại hạt ngũ cốc. Do vậy, chim mẹ phải nuôi con bằng sữa diều. Trước khi con non nở vài ngày, chim bố và chim mẹ sẽ bắt đầu tiết ra sữa diều. Việc tiết sữa tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nhưng hạt và trái cây chứa ít chất đạm, đó là lý do vì sao bồ câu chỉ đẻ hai trứng trong mỗi mùa sinh sản và cả chim trống mái đều tham gia tiết sữa diều nuôi con. Vào tuần đầu tiên, chim bố mẹ hạn chế ăn để tránh lẫn hạt vào sữa của con. Nhưng bắt đầu từ tuần thứ hai, chim bố và mẹ sẽ pha lẫn hạt vào thành phần thức ăn của con cho quen dần. Còn với hồng hạc chúng sẽ bón sữa cho con bằng mỏ, sữa của chúng có mầu đỏ đặc trưng.



Sữa bò còn thua
Sữa diều của bồ câu hơi giống sữa của động vật có vú, nó là một chất bán rắn màu vàng nhạt giống như phômai. Hàm lượng protein và chất béo chứa trong sữa diều cao hơn cả sữa bò và sữa người. Thành phần bao gồm chất chống oxy hoá, chất miễn dịch, protein, lipit, muối khoáng, vitamin và các loại men tiêu hoá như amylaza, sarcaraza giúp con non dễ hấp thụ hơn.

Ông bố tuyệt vời
Chim cánh cụt hoàng đế đực, được mệnh danh là ông bố “number one” của giới động vật. Nơi chúng sinh sống là một thế giới vô cùng lạnh lẽo. Không những con chim cánh cụt con luôn được sưởi ấm trong đôi cánh ấm áp của chim cánh cụt bố mà chúng còn được chăm sóc tỉ mỉ.

Chim cánh cụt hoàng đế giao phối vào mùa đông. Chim cánh cụt mẹ đẻ ra xong một quả trứng rồi cuộn nó vào chân của chim cánh cụt bố, sau đó chim mẹ nhanh chóng rời đi kiếm ăn bổ sung dinh dưỡng để chim cánh cụt bố chăm sóc cho trứng.

Chim cánh cụt bố phải nhịn ăn hơn 100 ngày để chờ con chúng ra đời. Chúng phải chịu đựng những cơn gió lạnh tột độ và thậm chí những chú chim cánh cụt bố phải túm tụm lại với nhau để tạo thành một nhóm lớn nhằm giữ ấm cho những đứa con bé bỏng sắp chào đời.

Nếu chim cánh cụt mẹ không trở lại đúng thời gian sau khi trứng nở, chim cánh cụt bố sẽ tạo ta một chất giống như sữa đặc từ thực quản của chúng để nuôi con. Chim cánh cụt con được bố mẹ sưởi ấm cho đến khi chúng đủ lông đủ cánh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét