Có những vùng ở Châu Phi trên 3 năm mà không có một trận mưa nào. Đất khô cong, cằn cỗi, đào xuống sâu cả 3 thước vẫn không tìm được một chút ẩm. Thế rồi ngày hôm đó, tự nhiên trời vận chuyển bất ngờ, mây đen từ đâu kéo tới đông nghịt, rồi mưa, mưa trút xuống ào ạt và liên miên cả mấy ngày liền. Chẳng mấy lúc, tất cả mọi nơi nước dâng lên từ từ rồi đầy ắp, xóa tan đi cảnh hãi hùng vì nạn hạn hán kéo dài cả mấy năm trời.
Một điểm đặc biệt hơn nữa là sau đó chỉ một thời gian ngắn, họ chuẩn bị dụng cụ để đi bắt cá. Cá? Tại sao lại có cá? Cá từ đâu tới? Chúng từ lòng đất chui lên chăng? Không thể được vì làm gì có nước. Hay chúng từ trên trời rớt xuống? Chuyện này có thể có được vì vào thế kỷ thứ 15, người ta ghi nhận trong một cơn mưa người dân địa phương một xứ nọ có thấy những con cá nhỏ từ một đám mây rớt xuống. Nguyên nhân cũng dễ hiểu vì có một trận cuồng phong, hút nước từ một cái hồ đã hút bốc theo một đàn cá, đưa lên mây rồi nhờ gió mang đi thật xa cho đến lúc mây đông lại thành hạt, rớt xuống thành mưa, đồng thời trút xuống luôn cả đàn cá.
Nhưng đây lại không phải thế, vì người dân Phi Châu khi bắt được cá mang về có con rất lớn. Cá to như vậy, vòi rồng cũng không thể hút cá bay đi quá xa. Như vậy là loại cá này vẫn sống tại địa phương suốt trong thời gian dài hạn hán, đất khô cằn, nứt nẻ vì không có nước và câu “Cá sống vì nước” hoàn toàn không áp dụng được với chúng. Loài cá phổi châu phi vẫn sống và chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, đến khi mưa đến thì lại hồi sinh bơi lội.
Theo những di tích hóa thạch được tìm thấy, các khoa học gia nhận thấy loại cá phổi này có từ 300.000.000 năm về trước và qua một thời gian thật dài như vậy, chúng cũng không thay đổi nhiều nên người ta coi chúng như những “sinh vật hóa thạch còn sống”. Tuy nhiên, xưa kia chúng có rất nhiều trên khắp thế giới nhưng ngày nay chúng còn có sự hiện diện vỏn vẹn ở 3 nơi: Phi Châu, Úc Châu và Nam Mỹ Châu. Tuy ở 3 miền xa biệt nhưng chúng hao hao giống nhau, đều sống ở vùng nước ngọt, thân hình tròn và dài ngoằn như lươn, có vẩy nhỏ và mượt. Bốn chiếc vây không xòe cánh quạt như giống cá khác, trái lại nhỏ và dài như râu, không phải để bơi mà để trườn trên bùn. Trong 3 loại, giống ở Phi Châu lớn nhất có con dài tới 7 foot, tức 2,1 mét, nặng cả trên 100 pound và có tên khoa học là Protopterus. Tuy có cả mang lẫn phổi nhưng chúng dùng phổi để thở có tới 95 phần trăm, còn họa hoằn lắm mới dùng tới mang. Do vậy, cứ khoảng 20 phút chúng lại phải ngoi lên mặt nước há miệng ra để thở vì lỗ mũi nằm ngay trong miệng. Sau khi hít một hơi dài cho không khí vào đầy buồng phổi, nó lại lặn sâu xuống đáy nhởn nhơ săn mồi trong cái giang sơn riêng biệt của nó. Tuy nhiên nếu vì một nguyên nhân nào đó, nó bị giữ dưới nước lâu dài không cho ngoi lên, thì nó cũng bị ngộp thở chết đuối như những thú vật khác trên cạn. Nhưng chúng không bao giờ lại tự động nhảy lên bờ để hoàn toàn được thở tự do cái bầu không khí rộng lớn của trời đất.
Đến mùa sinh nở, cả con đực và con cái đều tìm đến với nhau. Chúng quanh quẩn bên nhau một thời gian rồi chàng và nàng sát bên nhau cùng xây dựng một tổ ấm nhỏ, xinh xắn ngay dưới bùn. Rồi nàng đẻ vào đó khoảng 5.000 cái trứng và chàng vội vã phủ lên trên những màn mỏng tinh trùng cho trứng thụ thai, nở thành con. Đến đây, con cá cái xem như nhiệm vụ “mang nặng đẻ đau” của mình đã xong, nó lặng lẽ bỏ ra đi như hối tiếc thời thanh xuân vừa bị bỏ phí vì mang bầu. Còn anh chồng thấy vợ bỏ đi, anh buồn rầu, ngơ ngẩn như không đành lòng bỏ đàn con côi cút, nên vẫn một mình quanh quẩn bên chiếc tổ. Rồi như nghĩ đến nhiệm vụ cao quý của một người cha, tự nhiên anh như quên đi người tình cũ bội bạc, nên hăng hái hoạt động trở lại. Anh bơi lên, bơi xuống, lấy thân hình đồ sộ của mình để đe dọa, đuổi những đàn cá khác đang mon men bơi lại gần tổ của anh để rình đớp trứng.
Ngoài nhiệm vụ canh gác bảo vệ đàn con, thỉnh thoảng anh còn bơi đến gần miệng tổ để uyển chuyển, uốn éo thân mình phe phẩy chiếc đuôi hầu làm nước chuyển động, tạo điều kiện thuận lợi, tốt lành cho sự nẩy nở của lớp trứng. Trong thời gian này, các nhà bác học nhận thấy cá phổi mải mê với nhiệm vụ và cũng sợ lúc vắng mặt mình, cá khác đến nuốt hết trứng nên nó hầu như quên đi cả việc phải ngoi lên mặt nước để thở, lâu hơn rất nhiều so với thường lệ. Sau này các nhà khoa học mới khám phá thấy trong thời gian này, cá cha có một bộ phận nằm ngay sát cặp vây ở bụng. Bộ phận này giúp nó hút thêm được chút dưỡng khí trong nước, y hệt như mang cá. Thật tuyệt diệu thay tạo hóa. Cá cha chỉ bỏ đi khi bầy con đã nở hết và tung tăng bơi lội chung quanh tổ. Trong hai tháng đầu đời đoàn cá con dùng mang để hút thở dưỡng khí trong nước như mọi loài cá khác. Khi còn nhỏ chúng sống chung với nhau rất an bình. Nhưng khi bắt đầu lớn lên, chúng trở thành hung hăng, luôn luôn đánh lộn với nhau và cắn nhau rách cả vây, bong cả vẩy. Nhưng những thứ này lại được mọc lên những cái mới để thay thế rất mau chóng. Sau hai tháng, bầy cá con đã lớn mạnh, lúc bấy giờ chúng mới rã bầy, mỗi con tung ra sống một nơi.
Tại Phi Châu, bình thường hàng năm, nếu không có hạn hán thì cũng trải qua nhiều tháng nắng cháy làm cạn hết nước ao hồ. Khi nước gần cạn đến lớp bùn, cá phổi mới rút sâu xuống bùn, tự đào một cái tổ tròn như một trái nho khổng lồ, trong rỗng, rồi cá ta mới chui vào giữa. Từ lớp bùn dầy phía trên cá khoét một cái lỗ nhỏ để làm lỗ thông hơi. Nó đang chuẩn bị cho một giấc ngủ dài. Bùn khô dần và từ từ rắn chắc lại như đá. Trong khi đó trong chiếc phòng tương đối vừa khít, con cá phổi cong chiếc đuôi lại, che lấy mặt, từ từ đi vào giấc ngủ miên man, không kể gì đến năm tháng. Từ đó cá hoàn toàn thở bằng phổi.
Nếu không có chuyện gì khác lạ thì chỉ mấy tháng khô ráo là qua mùa sau, mưa sẽ rơi xuống và nước thấm vào làm tan rã chiếc tổ. Cá phổi lại được tự do, ung dung bơi ra, sống lại cuộc đời vui thú của nó. Còn ngược lại, nếu trời làm hạn hán và kéo dài cả nhiều năm thì cá Phổi vẫn tiếp tục ngủ li bì, tuy không ăn uống gì nhưng vẫn sống.
Trong thử nghiệm, người ta đã thấy cá phổi nằm trong cái tổ cứng chắc của nó cả 4 năm trời mà vẫn sống, có điều nó đã tiêu hết những lớp mỡ dự trù trong người nên trong nó nhỏ lại và gầy trơ xương. Nhưng một khi được vùng vẫy trở lại trong nước, được ăn uống thỏa thuê, nó sẽ trở lại mập mạp một cách nhanh chóng không ai thể ngờ nó vừa nằm im bất động trong cái kén bùn suốt cả 4 năm vừa qua. Các nhà bác học đã từng đào lên cả cái tổ cứng của cá phổi, một khối đất tròn vo mà ta gọi là cái kén, rồi đem nó từ Phi Châu về Mỹ. Tại đây họ dùng dùi đục thật sắc, đục nhẹ cho lớp đất bên ngoài vỡ ra để nghiên cứu con cá phổi bên trong. Họ nhận xét, lúc ngủ cá phổi đã tự toát ra một lớp chất nhờn để che phủ làn da khỏi bị khô. Nó cũng không hề bài tiết gì ra ngoài cả mà chính lại dùng nước tiểu tự lọc để dùng lại.
Do vậy, chất nước không bị thoát ra ngoài mà chỉ lẩn quẩn trong cơ thể. Lấy cá phổi ra khỏi cái kén để vậy suốt trong 4 năm, lúc nào cá phổi vẫn vậy, vẫn khô queo, vẫn bất động nhưng vẫn thở thật nhẹ và thật ít. Nhưng một khi bỏ nó xuống nước thì chỉ trong một ít phút thôi, nó sẽ lấy lại năng lực một cách dễ dàng, sẽ vẫy vùng bơi lội và ăn uống như điên. Chỉ ít ngày sau nhìn lại nó, không ai thể ngờ được đó là con cá đã từng ngủ li bì, không ăn uống gì cả suốt một thời gian dài trên 1,500 ngày.
Hiện nay, người ta gửi đi những cái kén cá phổi cho tất cả các hồ cá trên thế giới để trưng bày cho công chúng xem. Dù cuộc hành trình có xa xôi vạn dặm, dù thời gian gặp nhiều trục trặc lâu lắc đến bao nhiêu, khi nhận được kén cá, người ta chỉ việc bỏ chiếc kén vào nước, là chỉ ít phút sau đã thấy cá tung tăng bơi lội. Thật là giản dị và cũng thật huyền diệu thay Tạo Hóa.